Sử dụng Tiếng Việt tại Hoa Kỳ

Tuy tiếng Việt không được nhiều người Mỹ biết đến bằng tiếng Tây Ban Nha hay một số ngôn ngữ châu Âu khác, ngôn ngữ này vẫn hiện diện trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Trong truyền thông và nghệ thuật sáng tạo, tiếng Việt được sử dụng chủ yếu trong cộng đồng người Việt. Trong lĩnh vực thương mại và hành chính, tiếng Việt cũng có sự hiện diện, tuy còn khiêm tốn. Hầu hết các nha lộ vận cung cấp người dân cẩm nang hướng dẫn lái xe bằng tiếng Việt, và một số tiểu bang cho phép thi một phần bằng tiếng Việt. Môn tiếng Việt còn là học phần tự chọn ở nhiều trường đại học, nhưng lại ít được dạy tại các trường trung học.[16]

Truyền thông

Trụ sở Người Việt, tờ báo Việt ngữ lớn nhất ngoài Việt Nam

Hầu hết các báo chí Việt ngữ hiện diện trong những khu vực đô thị đông người Việt nhất. Dù còn nhỏ so với tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, các tờ báo, đài truyền thanh, truyền hình tiếng Việt đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ.

Được xuất bản từ cuối thập niên 1970, tờ báo Người Việt ở miền Nam California là tờ báo Việt ngữ lâu đời nhất tại Mỹ. Từ năm 1999 đến 2005, tờ San Jose Mercury News xuất bản một ấn bản tiếng Việt với tên gọi Việt Mercury.[18] Sau khi tờ Việt Mercury đình bản, có hai tờ báo khác thay thế ở miền Bắc California là Việt Tribune và VTimes.[18][19] Ban đầu, các báo chú trọng vào việc cung cấp tin tức địa phương cho người gốc Việt, sau phát hành thêm nhiều ấn phẩm cho các đối tượng độc giả khác. Tờ Người Việt có hẳn một bản tiếng Anh dành cho các thế hệ người Việt sinh ra tại Hoa Kỳ. Ngoài các xuất bản phẩm này, nay nhiều ấn phẩm trong cộng đồng người Việt cũng được phát hành bằng nhiều ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng Việt.[18]

Các đài truyền hình tiếng Việt gồm có đài Saigon Broadcasting Television Network (SBTN) có trụ sở tại Garden Grove, là đài truyền hình đầu tiên phát sóng 24/24 trên các hệ thống truyền hình cáp và vệ tinh khắp nước Mỹ kể từ năm 2002. SBTN thu hút khán giả từ mọi tầng lớp, với nhiều chương trình như thời sự, phim điện ảnh, kịch, phim tài liệu, ca múa nhạc, trò chuyện, và thiếu nhi.[20] Ngoài SBTN, còn có VietFace TV của Trung tâm Thúy Nga, cũng phát sóng miễn phí 24 tiếng mỗi ngày tại Quận Cam và toàn quốc qua hệ thống vệ tinh DirecTV;[21][20] và Vietnam America Television (VNA/TV) phục vụ các khu vực miền Nam Calfornia, San Jose, và Houston với lập trường chống Cộng và không sử dụng các chương trình xuất xứ từ Việt Nam.[22] Ngoài California, đài Viet-Nam Public Television (VPTV) có trụ sở tại Falls Church, Virginia phục vụ vùng Washington, DC. Một số địa phương cũng có chương trình tiếng Việt trong hệ thống truyền hình cộng đồng.[18] VTV4, kênh truyền hình đối ngoại của chính quyền Việt Nam, từng có thể bắt sóng được qua vệ tinh tại Hoa Kỳ, nhưng bị đánh giá là "nhàm chán"; đối tượng người xem chủ yếu là du học sinh hoặc người mới nhập cư.[23] VTV4 đã ngừng phát sóng qua vệ tinh từ năm 2018.[24]

Trong đại dịch COVID-19cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tin giả trở thành một vấn nạn trong cộng đồng người nói tiếng Việt, đặc biệt là trong những người lớn tuổi không thông thạo tiếng Anh và không tiếp cận với truyền thông dòng chính.[25] Để đối phó với tin giả, nhiều người Việt trẻ tuổi thông thạo song ngữ đã thành lập các tổ chức nhằm phản bác tin giả và truyền đạt thông tin trung thực bằng tiếng Việt cho cộng đồng, trong đó có Viet Fact Check (Việt Kiểm Tin), VietCOVID.org, và The Intepreter (Người Thông Dịch).[26][27]

Văn học, nghệ thuật

Ca sĩ Ngọc Hạ biểu diễn tại một hội chợ Tết do Tổng hội Sinh viên Việt Nam Miền Nam California tổ chức.

Sau 1975, nhiều trí thức, nghệ sĩ, nhà văn từ miền Nam Việt Nam đã rời bỏ Việt Nam để đến Mỹ. Trong những năm đầu, các tác phẩm văn học Việt ngữ tại Hoa Kỳ xoay quanh các chủ đề hoài niệm về quá khứ, cảm giác tội lỗi đối với thân nhân còn mắc kẹt ở Việt Nam, và cảm tưởng tha hương nơi xứ người.[28] Những giá trị trong văn hóa Mỹ cũng bị các nhà văn gốc Việt chỉ trích như lối sống bon chen vật chất và các giá trị đạo đức xã hội.[29] Với sự hiện diện của những thuyền nhân từ năm 1977, văn học Việt ngữ tại Mỹ chuyển hướng đến sự đau thương và giận dữ; nhóm nhà văn mới này đã rời Việt Nam với mục đích tư tưởng rõ rệt: đi tìm tự do và kể cho thế giới biết đến một nước "Việt Nam đầy máu và nước mắt".[30] Không chỉ trong lĩnh vực văn học, lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật cũng đầy tiếng nói đau thương và dận dữ của các thuyền nhân. Hàng trăm tạp chí, sách báo với các bài viết và bài văn được xuất bản bằng tiếng Việt để báo động thế giới về tình cảnh của các thuyền nhân. Khác với những tác phẩm hoài niệm về quá khứ trước kia, các tác phẩm của thuyền nhân khắc họa Việt Nam là một đất nước u ám và là một địa ngục trần gian.[30]

Trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, người Việt đã bắt đầu xây dựng hệ thống truyền thông, giải trí ngay từ những ngày đầu định cư trên đất Mỹ. Ban đầu các nghệ sĩ tị nạn này phân phối các băng đĩa ca nhạc với nội dung phản ánh cuộc sống tị nạn, chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Cộng sản Việt Nam cùng với các nhịp điệu đưa thính giả về một thời bình. Khác với những người nhập cư từ các nước khác, người Việt tha hương không chấp nhận các văn hóa phẩm xuất xứ từ quê hương Việt Nam dưới chế độ cộng sản.[31] Ban đầu người Việt tại Mỹ xem các phim bộ Hồng Kông và Đài Loan được lồng tiếng để phục vụ nhu cầu giải trí. Bắt đầu từ thập niên 1980 và 1990, chương trình ca vũ nhạc Paris by Night của Trung tâm Thúy Nga đã trở thành một cầu nối giữa các cộng đồng người Việt trên thế giới.[31] Những tập đầu có các chủ đề liên quan đến trải nghiệm của người tha hương, như Giã Biệt Sài Gòn, Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi, với nội dung chống cộng làm nguyên tắc dẫn đường để thu hút khán giả.[32] Với thị hiếu khán giả sau này muốn hội nhập xã hội Hoa Kỳ, các chương trình sau này chuyển hướng, phản ánh các trào lưu văn hóa Mỹ đương thời, với các đề tài ít liên quan đến chính trị hơn.[32] Với sự thành công của Paris by Night, nhiều chương trình tương tự cũng đã nhanh chóng được đưa ra thị trường, như các video của Trung tâm Asia, Vân Sơn, và Hollywood Night.[31] Đến năm 2008, Little Saigon ở Quận Cam, California đã trở thành trung tâm sản xuất âm nhạc Việt lớn nhất thế giới, với thị trường lớn hơn cả Việt Nam gấp 10 lần.[33]

Các thể loại âm nhạc Việt Nam được biểu diễn tại Mỹ gồm có dân ca, cải lương, đơn ca tài tử, tân nhạc,... Vì hầu hết người Việt tại Hoa Kỳ đến từ miền Nam, những thể loại này thường có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam.[34] Các soạn giả người Việt đã tiếp tục viết nhiều vở cải lương mới, và nhiều gánh hát cải luơng lưu diễn khắp nước Mỹ. Tại các cộng đồng gốc Việt lớn mạnh, tân nhạc chiếm lĩnh thị trường sản xuất và tiêu thụ.[34]

Từ năm 1991, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA, Vietnamese American Arts & Letters Association) hoạt động với mục đích hỗ trợ các nghệ sĩ gốc Đông Nam Á, đặc biệt chú trọng tới văn học và nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 2003, hằng năm VAALA đều tổ chức Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế nhằm trình bày các tác phẩm điện ảnh của các nghệ sĩ gốc Việt hay về đề tài Việt Nam.[35]

Ngoài ra, một số nhà văn người Mỹ gốc Việt đã gặt hái thành công nhất định trong văn đàn Mỹ, chủ yếu với các tác phẩm tiếng Anh miêu tả trải nghiệm của người Việt trên đất Mỹ, trong đó có Nguyễn Thanh Việt, người đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu, nhà thơ Ocean Vương từng nhận "Giải thiên tài" MacArthur Fellowship, ký giả Andrew Lâm, nhà văn Phùng Thị Lệ Lý, và nhà văn kiêm họa sĩ Trung Le Nguyen. Dù sáng tác bằng tiếng Anh, các tác giả này đôi khi sử dụng nguyên văn từ vựng tiếng Việt, đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ trong lối hành văn, diễn đạt trong các tác phẩm của mình.[36]

Thương mại

Một chi nhánh ngân hàng Bank of America với lời chào mừng bằng tiếng Việt

Tiếng Việt hiện diện mọi nơi tại Little Saigon thuộc Quận Cam, California: trên các bảng hiệu trước các văn phòng, cửa hàng, nghĩa trang và ngay cả trên các bảng quảng cáo cho các công ty lớn như ToyotaMcDonald's, hay trên các quảng cáo trên xe buýt.[37] Nhiều cơ sở thương mại do người Việt làm chủ phục vụ khách hàng là người Việt nên sử dụng tiếng Việt. Trong một cuộc khảo sát trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Vùng Đại Los Angeles, hơn 50% người thuộc thế hệ thứ nhất cho biết họ sử dụng tiếng Việt tại nơi làm việc, trong khi tỷ lệ cho thế hệ 1,5 là 25–30% và thế hệ thứ hai là 50%.[38]

Người Việt có nhiều ảnh hưởng trong nghề làm móng tại Hoa Kỳ. Vào năm 1987 đã có 3.900 thợ làm móng người Việt ở Mỹ; con số này đã tăng lên đến 39.600 thợ vào năm 2002. Trên toàn Hoa Kỳ, người Việt chiếm khoảng 40% thợ làm nghề này.[39] Tại California, khoảng 59–80% thợ làm móng là người Việt, và học viên có thể thi bằng tiếng Việt để lấy chứng chỉ hành nghề.[40] Tại các thành phố đông người Việt có các lớp dạy nghề này bằng tiếng Việt để giúp người mới nhập cư vào nghề. Trong một cuộc khảo sát năm 2007 tại các tiệm làm móng của người Việt, 70% thợ móng người Việt muốn đọc các ấn phẩm tiếng Việt. Hệ thống hỗ trợ bằng tiếng Việt càng thúc đẩy thêm nhiều người Việt vào nghề này.[41]

Tại nhiều địa phương tại Hoa Kỳ, các tiểu thương người Mỹ gốc Việt đã tạo Phòng Thương mại Việt Mỹ (Vietnamese American Chamber of Commerce) nhằm tương trợ lẫn nhau và hướng dẫn cách làm ăn tại Việt Nam cũng như đưa nguồn đầu tư từ Việt Nam vào cách doanh nghiệp của người Mỹ gốc Việt.[42] Tại San Jose, Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ Thung lũng Silicon (Silicon Valley Small Business Development Center) cũng mở một văn phòng nhằm phục vụ các tiểu thương trong khu vực bằng tiếng Việt để hướng dẫn họ làm các thủ tục để thành lập doanh nghiệp.[43]

Hành chính

Bảng hướng dẫn địa điểm bầu cử bằng tiếng Anh, Việt, và một số ngôn ngữ khác
Nhãn dính "Tôi đã bỏ phiếu" cho cử tri ở Quận San Diego, California
Bảng đường ở Westminster, California viết bằng tiếng Việt

Là một trong số những ngôn ngữ chính của người nhập cư, tiếng Việt được sử dụng trong hệ thống hành chính Hoa Kỳ, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến vấn đề nhập cư. Trong hệ thống chính quyền liên bang, kể từ cuộc Điều tra dân số năm 2000, tiếng Việt là một trong 6 ngôn ngữ được sử dụng trong các mẫu đơn. Đạo luật Về Quyền Bỏ phiếu năm 1965 bổ sung năm 2006, đòi hỏi các chính quyền tiểu bang và đơn vị bầu cử phải cung cấp tài liệu giúp đỡ bỏ phiếu cho người sử dụng ngôn ngữ thiểu số nếu họ chiếm hơn 5% tổng số công dân đủ tuổi của đơn vị, hoặc có hơn 10.000 công dân đủ tuổi, và họ "không đủ trình độ tiếng Anh để tham gia quá trình bầu cử". Theo luật này, đến năm 2021 đã có 12 đơn vị bầu cử toàn quốc phải cung cấp tài liệu bầu cử bằng tiếng Việt (6 quận ở California, một thành phố ở Massachusetts, 3 quận ở Texas, một quận ở Virginia và một quận ở Washington).[44] Ngoài ra, nhiều cơ quan liên bang còn in ấn nhiều tài liệu tiếng Việt để phục vụ những người dân không thạo tiếng Anh, như Sở Thuế Vụ.[45]

Các đơn vị hành chính cần hỗ trợ cử tri sử dụng tiếng Việt bỏ phiếu (2021)[44]
Tiểu bangĐơn vị hành chính
CaliforniaQuận: Alameda, Los Angeles, Orange, Sacramento, San Diego, Santa Clara
MassachusettsThành phố: Randolph
TexasQuận: Dallas, Harris, Tarrant
VirginiaQuận: Fairfax
WashingtonQuận: King

Tại cấp tiểu bang, hầu hết các nha lộ vận có tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và một vài cho phép người thi bằng lái một phần bằng tiếng Việt.[46]California, Đạo luật Dịch vụ Song ngữ Dymally–Alatorre (Dymally–Alatorre Bilingual Services Act) đòi hỏi các cơ quan chính phủ phải cung cấp tài liệu trong các ngôn ngữ được sử dụng bởi ít nhất 5% dân chúng được phục vụ, nên tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ thường được cung cấp.[47]

Ở cấp địa phương, nhiều khu vực có đông đảo người Việt sẽ có các chương trình hỗ trợ người dân bằng tiếng Việt. Ở San Jose, Trung Tâm Phục Vụ Việt Mỹ (VASC, Vietnamese American Service Center) được khánh thành năm 2022 với mục đích phục vụ cộng đồng người Việt trong việc tương tác với chính quyền.[48] Nhiều khi các cơ quan địa phương không dịch sẵn các tài liệu ra tiếng Việt mà chỉ có nhân viên có thể thông dịch khi nào cần, ví dụ qua điện thoại.[49]

Y tế

Bảng chỉ dẫn tại nơi chích ngừa COVID-19

Hệ thống y tế dựa vào các thông dịch viên để phục vụ những bệnh nhân chỉ sử dụng được tiếng Việt. Tuy nhiên, khi Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) bắt đầu có hiệu lực tại California, tiểu bang chỉ có 9 thông dịch viên y tế có chứng chỉ phải phục vụ 282.000 người gốc Việt không giỏi tiếng Anh. Do vậy, đôi khi bệnh viện dùng thông dịch viên không chính thức để truyền các thông tin quan trọng.[50]

Tôn giáo

Tại một số khu đông người Mỹ gốc Việt, các giáo xứ Công giáo có thánh lễ bằng tiếng Việt. Tính đến 2008, Giáo phận Orange tại miền Nam California dâng lễ bằng tiếng Việt mỗi tuần 53 lần tại 14 giáo xứ.[51] Trong các buổi lễ này có thể pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt cho người trẻ để ý.[52] Để bảo tồn ngôn ngữ, nhiều giáo xứ có lớp Việt ngữ dạy cả ngôn ngữ và giáo lý, và các tổ chức Công giáo tại Hoa Kỳ cũng xuất bản nhiều tờ báo và tạp chí.[53]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng Việt tại Hoa Kỳ http://www.kvue.com/news/education/aisd-vietnamese... http://www.nytimes.com/2012/10/19/us/politics/more... http://viendongdaily.com/dai-vnatv-573-co-them-2-b... http://viethocjournal.com/2020/07/ngon-ngu-nguoi-v... http://www.seasite.niu.edu/jsealt/Vol12Fall2006/Ar... http://www.bsa.ca.gov/pdfs/reports/2010-106.pdf#pa... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32750283 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7893523 http://web.archive.org/web/20210507092049/https://... //doi.org/10.1044%2F2019_AJSLP-19-00146